Nào Cùng Nhón Chân: Những hồn hậu trẻ nhỏ
Tập sách Nào cùng nhón chân (NXB Trẻ) gồm 15 truyện ngắn viết cho thiếu nhi mới nhất của Nguyễn Mỹ Nữ, một cây bút sống ở Bình Định.
Tập sách Nào cùng nhón chân (NXB Trẻ) gồm 15 truyện ngắn viết cho thiếu nhi mới nhất của Nguyễn Mỹ Nữ, một cây bút sống ở Bình Định, giúp bạn đọc nhỏ tuổi hình dung rõ nét về một miền Trung cơ cực mà ấm áp và thật thà.
Câu chuyện, dù là trên trang sách, cốt lõi vẫn muốn mang mọi trẻ em sống trên đất nước này lại gần với nhau bằng thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông, chân thành và nhân hậu - NXB Trẻ
Ở xứ nắng nỏ, khô rang nên chữ trong từng truyện cũng nóng rẫy, giòn tan. Giòn như mùa khô trong "Xế chiều mùa hạ và những ly cà dầm" qua chữ của tác giả: "tháng 5, tháng 6 ở miền Trung, con người còn khô rang, giòn rụm nói chi tới cây lúa ngoài đồng hay liếp rau, dây mướp, giàn bầu... trong vườn".
Ở đó, bữa cơm của ba Thuận chỉ có nước mắm dằm ớt mà nắng quá, đến những cây ớt trong vườn cũng quắt queo không ra nổi trái.
Ở đó, trời oi bức, cả nhà mót máy tới lui cũng chỉ được vài cọng rau tập tàng, và ly cà chua dầm đường trở thành món ngon nhất mà cả nhà nhường nhau cho ông bà nội.
Ở đó, có "Đôi bạn... ùm" Nhung và Liễu. Biết Liễu thiếu ăn, nên cứ mỗi bữa chiều, Nhung lại bưng tô cơm ra hiên rủ Liễu ghé "ùm" chung.
Thương nhau một cách thật thà mà tế nhị, cái bụng con nít đã no thì chỉ mơ ước những buổi chiều êm có bạn có bè, ùm cùng một tô cơm như vầy kéo dài mãi.
"Những buổi chiều kéo rê", như nỗi buồn của cô gái 15 tuổi mà dáng vẻ còi cọc, ước có ba bộ đồ mới để mặc ba ngày Tết. Ước mơ tưởng đơn giản đó, nhưng vì quê "hết hạn hán rồi tới lũ lụt, mùa màng thất bát, còn phải bán lúa non..." thì lấy đâu.
Đọc tập sách Nào cùng nhón chân, hẳn sẽ đau đáu câu hỏi: Con nít xứ này sao già dặn hơn con nít xứ khác? Cái tuổi biết lo đến từ rất sớm, sớm như Ròm em, nhỏ xíu nhưng biết che chở cho Ròm chị khi ba mẹ mất sớm. Sớm như thằng Mót, thằng Xin, hai đứa trẻ đi lượm cá, nhỏ xíu đã bươn chải kiếm miếng ăn.
Nhưng đọc tập sách cũng lại mừng và cảm ơn người viết đã viết về những đứa trẻ bình dân lấm láp mà không bỏ quên những điều tử tế nhỏ bé. Những tử tế đó như bản chất sẵn trong lòng, như tự nhiên có chứ không hề gượng ép, không hề tô vẽ, không hề áp đặt bài học nào vào.
Tử tế nào mà tô vẽ được, khi đứa trẻ này quan tâm tới đứa trẻ khác, đứa trẻ này giúp đứa trẻ kia, đứa trẻ này biết thường bà thương ông, thương cha mẹ và anh chị em mình, để rồi thương mến quê hương xứ sở mình. Dù cực bao nhiêu thì quê nhà cũng là nơi đáng sống.
Những buổi chiều kéo rê nỗi buồn và niềm vui, trong những câu chuyện hồn hậu trẻ nhỏ đó, làm cho người đọc cũng kéo rê tiếng cười mình theo những hồn nhiên của trẻ nhỏ, giòn giã, trong veo.
Cảm ơn vì cái "nhón chân" khe khẽ đầy tinh tế mà cũng tràn ngập dư vị, qua tập sách thiếu nhi dung dị của Nguyễn Mỹ Nữ.
Nguồn https://tuoitre.vn/nao-cung-nhon-chan-nhung-hon-hau-tre-nho-20230624104232353.htm
CLICK LIÊN HỆ HOẶC GỌI NGAY HOTLINE
Liên hệ 0785.391.969